KHÁM PHÁ DINH THẦY THÍM TÂM LINH
Xem thêm
(qquangcao.vn) Dinh Thầy Tím tọa lạc giữ khu rừng dầu tĩnh mịch trên một khu đất cát trắng, thuộc xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Đường đi Dinh Thầy Thím: Từ trung tâm thị xã LaGi, bạn đi theo đường Nguyễn Chí Thanh qua Lý Thái Tổ rồi rẽ trái vào đường Ngô Đức Tốn là sẽ tới Dinh Thầy Thím. Quãng đường này dài khoảng 14km.
Toạ lạc giữa một khu rừng trầm mặc, yên tĩnh cách biệt với cuộc sống đời thường, Dinh Thầy Thím càng trở nên lắng đọng, tôn nghiêm giữa khung cảnh thiên nhiên huyền ảo.
DINH THẦY THÍM – 130 NĂM HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN
Sự tích Thầy Thím có tự lâu đời và không ngừng bồi đắp trong suốt quá trình hình thành và phát triển Dinh Thầy Thím. Song, lịch sử Dinh Thầy Thím thể hiện bằng công trình cụ thể, bằng hoạt động của Ban quản lý thì có cách đây hơn 130 năm. Đó là lịch sử gắn với sự thăng trầm của đất nước, có thể chia thành 03 giai đoạn lớn như sau:
Khai phá vùng đất và tạo dựng nơi thờ tự.
Dinh Thầy Thím trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ.
Dinh Thầy Thím phát triển di tích, lễ hội sau chiến tranh.
Truyền thuyết về Dinh Thầy Thím:
Theo truyền thuyết: Ngày xưa ở Quảng Nam, có một đạo sĩ giàu lòng nhân ái, võ thuật hơn người thường có những nghĩa cử cao đẹp được dân làng mến mộ. Vì bị nhà Vua xét xử oan ức nên đạo sĩ cùng vợ phiêu bạt vào phương Nam lánh nạn.
Và cũng từ đây, những truyền thuyết, đức độ của vợ chồng đạo sĩ được lòng dân hết mực ca ngợi. Họ gọi vợ chồng đạo sĩ là Thầy – Thím.
Lúc đầu Thầy Thím ở trọ nhà ông hộ Hai. Ngày ngày, vợ chồng Thầy làm các nghề đốn củi, đóng ghe, bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Có điều lạ là lúc nào bên Thầy cũng có một quả bầu khô, người ta nói Thầy có phép “sái đậu thành binh” tức là “gieo đậu thành binh lính”. Một hôm, nhân lúc thầy vào rừng đốn củi mà quên đem theo quả bầu, chủ nhà tò mò lấy ra xem bỗng lửa phụt ra thiêu rụi cả căn nhà. Sau khi làm lại căn nhà mới cho ông Hộ Hai, và để tránh sự chú ý của nhiều người, vợ chồng Thầy chuyển vào ở hẳn trong rừng sâu gần Bàu Cái.
Thế nhưng, càng ở xa dân cư, danh tiếng của Thầy càng lan rộng. Thầy nhận đóng ghe cho ngư dân và giao rất đúng hẹn. Quanh khu rừng vang lên tiếng đãn gỗ, đục đẽo cả ngày, nhưng chưa bao giờ người ta thấy một người giúp việc nào của Thầy. Từ cánh rừng nơi Thầy đóng ghe ra đến biển dài hơn 3km có mạch nước nhỏ đổ ra biển, người dân tuyên truyền đó là dòng nước Thầy dùng gậy tạo ra để đưa ghe ra biển. Lạch nước ấy ngày nay vẫn còn, dân thường gọi là đường lướt ván.
Còn nhiều câu chuyện về lòng nhân ái của Thầy như trừng phạt bọn buôn gạo lợi dụng năm mất mùa bóp chẹt dân nghèo, cứu giúp dân chài trong cơn sóng to gió dữ…Không dừng lại ở đó, Thầy còn cảm hóa cả thú rừng vốn là nỗi nơm nớp lo sợ của nhiều người khi buổi đầu khai phá thiên nhiên hoang dã.
Một ngày mùa thu, được tin Thầy Thím qua đời, dân làng loan báo tin buồn, vội vã vào đến nơi, thì thấy hai ngôi mộ bằng cát trắng phau được thú rừng vun đắp thành mộ ở gần nơi Thầy Thím tạ thế.
Hằng năm, cứ đến mùng 5 tháng giêng âm lịch, người ta thấy có đôi Bạch – Hắc Hổ thường xuyên về tảo mộ, phủ phục gần đó canh gác cho ngôi mộ.
Về sau khi đôi Bạch – Hắc Hổ qua đời, dân làng an táng ngay sau ngôi mộ Thầy – Thím để tưởng nhớ hai con vật có nghĩa, tận trung với người. Ngày 15/9 âm lịch hằng năm là ngày lễ tế thu Thầy – Thím. Qua khói hương, trong tiếng chuông trầm mặc, nghĩa cử Thầy – Thím vẫn được dân gian lưu truyền. Thế nên đến đời vua Thành Thái năm thứ 18, nhà vua đã xem xét lại án xử trước đây và ban sắc phong cho Thầy – Thím là “Chí Đức Tiên Sinh, Chí Đức Nương Nương Tôn Thần”.
Kiến trúc nghệ thuật Dinh Thầy Thím:
Dinh Thầy Thím một trong ba cụm di tích danh thắng và có thế mạnh trên lĩnh vực văn hoá du lịch và an dưỡng của Tỉnh Bình Thuận (ở phía bắc có chùa Cổ Thạch và đình Bình An, ở trung tâm có Lầu Ông Hoàng và chùa núi Tà Cú). Trong đó, Dinh Thầy Thím là nơi thu hút đông đảo nhân dân trong tỉnh và du khách các tỉnh miền Trung và Nam bộ đến thăm viếng, an dưỡng.
Quần thể kiến trúc của Dinh được bao bọc bởi một bức tường hình thang vuông, chu vi gần 600m như tôn thêm vẻ trang nghiêm của Di tích. Vòng thành trổ ba lối vào Dinh, cổng chính ở phía trước và cổng phụ ở hai bên tả hữu. Trong kiến trúc, gỗ đóng vai trò chủ đạo, chất vữa kết dính được pha trộn từ vôi, cát, mật đường, nhựa cây, mái lợp ngói âm dương cổ, nền lát gạch Bát tràng.
Các công trình kiến trúc chính của Dinh Thầy Thím đều quay về hướng Tây, gồm có: Cổng chính, Võ ca, nhà tiền hiền, bình phong, khu mộ Thầy – Thím và một số công trình phụ cận. Nét tương đồng mang tính chất đặc biệt trong kiến trúc của Dinh là toàn bộ các công trình chính như Chánh điện, Võ ca, nhà tiền hiền đều sử dụng lối kiến trúc “tứ trụ”, một mô hình kiến trúc tôn giáo rất phổ biến ở Bình Thuận trong các thế kỷ XVIII – XIX. Điểm độc đáo mang sắc thái riêng của Dinh là kiểu dáng “tứ trụ” (4 cột chính ở trung tâm nhà) được trau chuốt và tạo dáng rất tinh tế, đạt đến đỉnh cao của sự hoàn mỹ trong nghệ thuật điêu khắc gỗ, ở đây toàn bộ chân đế của các cột chính được gờ chỉ, cách điệu dạng một bình hoa mềm mại, phần thân cột vát thành hình trụ vuông vức, phần đỉnh cột thu nhỏ dạng hình trụ tròn. Nét kiến trúc này là một trường hợp hiếm hoi và lý thú trong gần 300 di tích ở Bình Thuận.
Lễ hội đặc sắc tại Dinh Thầy Thím:
Hàng năm, vào ngày mùng 5 tháng giêng âm lịch (lễ tảo mộ) và các ngày từ 14 đến 16 tháng 9 âm lịch (lễ tế thu hay còn gọi là ngày vía Thầy Thím) rất đông người dân địa phương và du khách đến Dinh để cầu sức khỏe, hạnh phúc gia đình và công việc làm ăn của mình được thuận lợi...
Liên hệ quảng cáo 3600k/ 1 năm: 0888 999 764